Viêm não nhật bản
- Bởi : Admin
- - Chuyên mục : Tin Tức Sức Khỏe
Viêm não Nhật Bản
Dịch tễ học
Vi rút viêm não Nhật Bản có thể gặp ở hầu hết các khu vực của Châu Á và nhiều nơi ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Nguồn bệnh là các loài chim hoang dã và gia súc. Ở Việt Nam virut phân lập được từ chim liếu điếu. Sự lây truyền của vi rút chủ yếu ở khu vực nông thôn, những nơi có nhiều ao hồ đầm lầy, đỉnh của bệnh thường vào mùa hè và mùa mưa. Đôi khi cũng có thể gặp ở một vài vùng ven của các đô thị. Muỗi đốt các động vật bị bệnh sau đó truyền bệnh cho người đặc biệt là trẻ em.
Triệu chứng lâm sàng:
Bệnh khởi phát đột ngột bằng sốt, sốt cao 39-40°C hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1-2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức, phản xạ gân xương tăng, xung huyết giãn mạch rõ.
Từ ngày thứ 3-4 đến ngày thứ 6-7 của bệnh.
– Triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là sự xuất hiện các triệu chứng tổn thương não nói chung và tổn thương thần kinh khu trú.
+ Bước sang ngày thứ 3-4 của bệnh, các triệu chứng của thời kỳ khởi phát không giảm mà lại tăng lên. Từ mê sảng kích thích, u ám lúc đầu, dần dần bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần.
+ Vã nhiều mồ hôi, màu sắc da thay đổi, rối loạn nhịp thở và tăng tiết đờm dãi, mạch thường nhanh, huyết áp tăng.
+ Bệnh nhân mê sảng, ảo giác, kích động, bệnh nhân nằm co quắp và có các cơn xoắn vặn, co giật cứng hoặc giật rung các cơ mặt và cơ chi.
+ Ngoài ra có thể thấy liệt chân, tay; tổn thương các dây vận nhãn và dây VII.
– Xét nghiệm:
+ Bạch cầu thường tăng 15.000-20.000/mm3, đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính tăng tới 75-85%, bạch cầu ái toan và lympho giảm; tốc độ máu lắng tăng.
+ Xét nghiệm dịch não tuỷ: Tăng áp lực dịch não tuỷ.
+ Soi đáy mắt trong giai đoạn cấp tính thường thấy xung huyết gai thị, đôi khi thấy cả phù nề và xuất huyết.
Thời kỳ lui bệnh:
Biểu hiện chủ yếu là các biến chứng và di chứng. Tuần thứ 2, nếu bệnh nhân không tử vong thì bệnh đỡ dần, nhiệt độ giảm và hết sốt nào khoảng ngày thứ 10 nếu không có bội nhiễm. Hội chứng não – màng não, rối loạn thần kinh thực vật cũng giảm dần.Tuy nhiên các tổn thương thần kinh khu trú lại rõ hơn trước. Những di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm, thậm chí hàng chục năm như là động kinh hay Parkinson.
Điều trị
Viêm não nhật bản là một bệnh nguy hiểm, khó chẩn đoán và điều trị, tất cả các trường hợp mắc cần được theo dõi và xử lý tại bệnh viện để có các can thiệp kịp thời và hiệu quả nhất. Phương pháp điều trị bao gồm: Chống phù não, an thần cắt cơn co giật, hạ nhiệt, hồi sức hô hấp và ngăn ngừa bội nhiễm…,tùy vào tình trạng từng bệnh nhân.
Phòng bệnh
Trẻ em là đối tượng nguy cơ nhiễm viêm não nhật bản cao nhất. Hiện nay vaccin phòng bệnh này đã có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các cơ sở tiêm vaccin dịch vụ khác. Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ, tiêm chủng là biện pháp tốt nhất. Vaccin này được sử dụng cho trẻ từ 1 tuổi, mũi 1 cách mũi 2 một tuần và mũi 3 cách mũi 2 một năm sau. Ngoài ra cần tuyên truyền cho người dân các biện pháp chống muỗi đốt, diệt muỗi, diệt loăng quăng, khi ngủ cần mắc màn tránh muỗi.
Không có phản hồi