Tắc tĩnh mạch võng mạc
- Bởi : Admin
- - Chuyên mục : Tin Tức Sức Khỏe
Tắc tĩnh mạch võng mạc
Tắc tĩnh mạch võng mạc là sự ngưng trệ dòng máu tĩnh mạch trở về, xảy ra ở thân tĩnh mạch, ngay sau đĩa thị sau lá sàng hoặc tắc nhánh tĩnh mạch – thường gặp sau chỗ bắt chéo động tĩnh mạch. Bệnh không mang tính chất cấp tính và đỡ nặng nề hơn tắc động mạch trung tâm võng mạc nhưng hay gặp hơn và dễ tái phát.
Bệnh thường xảy ra ở nhóm người trên 50 tuổi và tiên lượng lâu dài xấu do những biến chứng ở mắt.
Triệu chứng
+ Thị lực giảm, không đau nhức, thường ở một mắt.
+ Mắt cảm giác thấy như sương mù hoặc có ám điểm trung tâm.
Khám đáy mắt:
+ Giãn tĩnh mạch: Hệ thống tĩnh mạch giãn to, ngoằn ngoèo.
+ Xuất huyết toả lan ra khắp võng mạc.
+ Phù gai thị và võng mạc: Gai thị xuất hiện phù nề, giãn tĩnh mạch trước gai. Võng mạc chủ yếu phù ở cực sau, màu xám mờ.
+ Xuất tiết mềm: Là những nốt xuất tiết dạng bông màu trắng, bờ không rõ, nằm nông trong các lớp sợi thần kinh, nguyên nhân do hoại tử sợi trục cùng các sản phẩm ở bào tương tích tụ lại, tập trung quanh vùng đĩa thị.
Bệnh căn
– Xơ cứng động mạch: Là nguyên nhân chủ yếu đẫn tới tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc (90%). Vì thế cần phải chú trọng phát hiện và điều trị các yếu tố tim mạch gây nguy cơ cho mắt.
– Những bệnh làm thay đổi thành phần huyết tương: Bệnh bạch cầu, hồng cầu, rối loạn lipid máu, thiếu antithrombin II, thiếu protein C hoặc S…
– Những bệnh gây ra biến đổi thành mạch: Sarcoidose, bệnh Behcet, bệnh Eales…
– Những bệnh làm biến đổi lưu lượng máu: Bệnh tim mạch, rò động mạch cảnh – xoang hang, bệnh mắt do tuyến giáp, khối u, áp xe ở hốc mắt…
– Những bệnh do nhiễm trùng: Toxoplasmose, viêm võng mạc do virus trong bệnh AIDS…
– Các thuốc: Lợi tiểu, tránh thai…
Một số yếu tố khác: Glôcôm góc mở nguyên phát, bệnh viễn thị, dị dạng bẩm sinh tĩnh mạch trung tâm võng mạc, bệnh tuyến giáp trạng, bệnh phổi COPD, bệnh mạch não, những bệnh này có liên quan ý nghĩa với tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc.
Các trường hợp không rõ căn nguyên (15%).
Hình thái lâm sàng
Tắc tĩnh mạch võng mạc thường ở một mắt, đôi khi gặp cả hai mắt và được chia thành tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc và tắc nhánh tĩnh mạch trung tâm võng mạc.
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc
Hình thái phù
– Thị lực giảm ít, khi mà phù hoàng điểm kéo dài gây giảm thị lực trầm trọng.
– Thị trường, có ám điểm trung tâm tương đối.
– Đáy mắt: Tĩnh mạch giãn to, ngoằn ngoèo và thường không đều. Động mạch ít biến đổi. Xuất huyết võng mạc hình chấm, ngọn nến, rải rác toàn võng mạc, xuất tiết dạng bông. Phù võng mạc lan tỏa làm võng mạc có màu xám mờ, phù hoàng điểm, phù đĩa thị nhiều.
Hình thái thiếu máu
– Thị lực giảm nghiêm trọng và đột ngột.
– Thị trường thu hẹp và có ám điểm trung tâm tuyệt đối.
– Đáy mắt: Tĩnh mạch giãn ít, giãn không đều và ngoằn ngoèo, xuất huyết võng mạc tương đối nhiều, dưới nhiều hình thù khác nhau hình chấm, ngọn nến, thành đám lớn, xuất tiết dạng bông tuỳ mức độ của thiếu máu cục bộ, hình tròn, bầu dục, hoặc thành đám lớn, trắng như bông. Động mạch thu hẹp lại và không đều, đĩa thị phù nhẹ, có thể có teo gai sớm.
Hình thái hỗn hợp
Là hình thái hỗn hợp của hình thái phù và hình thái thiếu máu.
Hình thái lành tính ở người trẻ
Là hình thái phù nhẹ, thường gặp ở người trẻ nhỏ hơn 40 tuổi.
Tắc nhánh tĩnh mạch võng mạc.
Tắc nhánh tĩnh mạch võng mạc chia ra theo vị trí tắc thành: tắc nhánh thái dương trên, tắc nhánh thái dương dưới và tắc nhánh phía mũi.
Biểu hiện giống như tắc tĩnh mạch trung tâm nhưng mức độ nhẹ và khu trú hơn
Điều trị
Mục đích:
Phục hồi lại tuần hoàn trong các nhánh bị tắc
Giảm các rối loạn tính thấm và huyết động
Chống xuất huyết, giảm nhẹ phù nề và điều trị nguyên nhân.
Không có phản hồi