Mắt hột
- Bởi : Admin
- - Chuyên mục : Tin Tức Sức Khỏe
Contents
Dịch tễ học
– Trên thế giới có khoảng hơn 500 triệu người mắc bệnh. Nó là một trong ba nguyên nhân chủ yếu gây mù loà chính (cùng với đục thể thuỷ tinh tuổi già, glocom). Theo tổ chức y tế thế giới WHO (1995), thế giới có khoảng 5,5 triệu người mù loà do bệnh mắt hột.
– Ở Việt Nam những năm 60 70 thế kỉ trước, trước khi tiến hành phòng chống mắt hột có tới 80% dân số mắc bệnh. Theo điều tra của Bệnh viện mắt TW năm 96, chúng ta còn khoảng trên 7% dân số mắc mắt hột hoạt tính, 1,15% dân số bị lông quặm và có tới 1,17% dân số vào khoảng 10 vạn người mù loà do di chứng bệnh mắt hột. Bệnh mang tính chất xã hội rộng lớn, việc phòng và chống bệnh mắt hột đòi hỏi có sự quyết tâm giữa chính quyền , y tế và sự hỗ trợ của Tổ chức y tế thế giới.
Bệnh học
Mắt hột là một viêm nhiễm mãn tính kết giác mạc. Tác nhân gây ra bệnh là Chlamydia trachomatis còn các vi sinh vật gây bệnh khác đóng góp làm cho bệnh nặng thêm.
Bệnh biểu hiện lâm sàng bằng những cấu tạo đặc biệt: những hột kèm theo một tình trạng thẩm lậu lan toả dày đặc và quá sản gai nhú trên bề mặt kết mạc đồng thời xuất hiện màng máu trên giác mạc.
Mắt hột tiến triển hoặc khỏi tự nhiên hoặc là làm sẹo ở kết mạc đưa tới biến chứng cụp mi, lông quặm, lông xiêu, loét và sẹo đục giác mạc … và cuối cùng là mù loà.
Triệu chứng
Người bệnh ngứa, cộm, nhiều dử mắt vào buổi sáng. Những triệu chứng này thường ít quan trọng và không đặc hiệu cho nên bệnh nhân thường không chú ý dẫn đến bệnh càng ngày càng nặng và để lại biến chứng nặng.
Khám thấy hình ảnh các hột trên bề mặt kết mạc, giác mạc. Bề mặt kết mạc trở lên sần sùi, có khi kết lại thành đám chồng đống lên nhau. Thương gặp nhất ở kết mạc sụn mi và có thể cả ở giác mạc tuy nhiên có thể ở toàn bộ kết mạc.
Hình ảnh sẹo là tổ chức xơ tạo nên những vệt trắng óng ánh như xà cừ, có khi kết thành mạng lưới, là kết quả của một quá trình xơ hoá sau khi các hột bị vỡ đi. Nó gây co rúm kết mạc mắt, gây cạn túi cùng kết mạc, cụp mi và quặm, tắc đường dẫn lệ.
Trong các viêm kết mạc hột chỉ có hột do vi khuẩn Chlamydia trachomatis mới tạo thành seọ.
Tiến triển
Mắt hột có khả năng tự khỏi nếu ở thể nhẹ và không bị nhiễm kèm vi khuẩn khác. Nếu không được điều trị đầy đủ, bệnh diễn biến lâu ngày, nhiễm lại nhiều đợt sẽ dẫn đến nhiều biến chứng.
Mắt hột có thể dẫn đến viêm bờ mi, lông quặm, lông xiêu, Khô mắt, tắc lệ đạo, Viêm kết mạc, sẹo kết mạc, Viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc, loạn thị
Điều trị
Điều trị mắt hột hiện nay chủ yếu là phải dùng thuốc tiêu diệt tác nhân Chlamydia. Không sử dụng các thuốc sát trùng hay các phương pháp cơ giới như day, kẹp hột. Các phương pháp cơ giới này không loại bỏ được tác nhân tệ hơn nữa là chúng còn gây sang chấn cho kết mạc. Việc dùng thuốc phải đi đôi với vệ sinh mts, nước và khăn mặt để tránh tái nhiễm. Thuốc được sử dụng thường xuyên có hiệu quả tốt hiện nay là Azithromycin dùng đường uống với liều 01 viên 0,5g/ngày x 03 ngày liền. Nếu không có kháng sinh Azithromycin có thể dùng các kháng sinh họ Tetracyclin: Cloteraxyclin (Aureomicin), Oxytetraxyclin (Teramicin)
Dự phòng
– Dùng nước sạch, không tắm rửa ở hồ ao, giếng làng.
– Dùng riêng khăn mặt và luôn giặt khăn bằng xà phòng
– Giữ sạch mắt, không đưa tay bẩn lên dụi mắt.
– Đối với cán bộ y tế: Khi tra thuốc không chạm vào mắt bệnh nhân, đeo găng thay găng mới khi khám cho bệnh nhân. Rửa tay và sát trùng tay sau khi đã khám mắt có bệnh mắt hột.
Không có phản hồi